Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về 62 huyện nghèo: Háo hức về với người nghèo

Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về 62 huyện nghèo là một chủ trương lớn của ngành Y tế nhằm giải quyết bài toán về sự mất cân đối nhân lực giữa các vùng, miền.

Dự án đưa bác sĩ trẻ về các huyện nghèo góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng sâu, vùng xa.

Ảnh:  Chí Cường

Sau khi thực hiện, dự án sẽ cung cấp một nguồn nhân lực chất lượng cao cho các huyện nghèo, vùng núi, biên giới hải đảo. Đối với nhiều sinh viên mới ra trường, đây là một lựa chọn tốt cho tương lai…

Chờ được gọi lên đường

Nguyễn Văn Sơn (tỉnh Vĩnh Phúc) vừa học xong chuyên ngành Bác sĩ Y tế dự phòng (ĐH Y Dược Thái Nguyên). Sơn cũng là một trong số những sinh viên đăng kí tham gia dự án đưa bác sĩ trẻ về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo). Sơn đăng kí nguyện vọng 1 về Bệnh viện huyện Tân Sơn (Phú Thọ), nguyện vọng 2 là Tủa Chùa (Điện Biên) và nguyện vọng 3 là Mường Nhé (Điện Biên).

Sơn hào hứng cho biết: “Do chuyên ngành của em là Bác sĩ Y tế dự phòng nên em muốn góp một phần kiến thức, cũng như nhiệt huyết của tuổi trẻ để giúp bà con vùng cao trong vấn đề phòng bệnh. Một khi được dự phòng tốt thì bệnh tật sẽ được đẩy lùi, không phải tốn nhiều tiền cho việc chữa bệnh. Trước khi đưa ra quyết định, em cũng đã có tham khảo ý kiến của nhiều người, mỗi người khuyên một kiểu. Em nghĩ mình phải có quyết định của mình, chỉ có bản thân mình mới biết mình muốn gì. Hiện tại, em đang chờ nhận bằng cũng như chờ thông tin từ Bộ Y tế. Em sẽ rất vui nếu nguyện vọng của em được chấp thuận và có thể được gọi để tham gia lớp học của chương trình này trong thời gian tới”.

Nguyễn Quang Quyết (quê ở Bắc Giang, chuyên ngành Bác sĩ Y tế dự phòng, ĐH Y Dược Thái Nguyên) cũng đăng kí tham gia dự án bác sĩ trẻ về công tác tại 62 huyện nghèo. Quyết cho biết, với kết quả tốt nghiệp Trung bình khá, em sợ không được lựa chọn. Mặc dù vậy, Quyết vẫn tin rằng đây là một dự án đầy hấp dẫn đối với nhiều bạn trẻ muốn cống hiến, cũng như muốn có một nơi chốn ổn định ngay sau khi ra trường. Hiện nay nói bác sĩ thiếu thì vẫn thiếu, nhưng thừa thì vẫn thừa khi sinh viên trường Y ra trường chỉ muốn ở lại thành phố.

Phạm Thị Ánh (quê ở Phúc Yên, học chuyên ngành Sản, Nhi tại ĐH Y Hà Nội) đã đăng kí về Bệnh viện huyện Phù Yên (Sơn La). Ánh cho biết: “Em đã có kết quả thi tốt nghiệp, tuy nhiên đến tháng 8 này mới được lấy bằng. Hiện nay, em cũng có một số sự lựa chọn cho nghề nghiệp nhưng vẫn luôn ngóng tin về dự án bác sĩ trẻ tình nguyện. Đây cũng là một lựa chọn ưu tiên của em. Tuy nhiên, em muốn có thông tin sớm về dự án này để có những quyết định sớm”.

Đang chờ “khớp” nhu cầu từ các bệnh viện

Theo ông Phạm Văn Tác – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Hiện nay đã hoàn thành ban quản lý, xây dựng chương trình đào tạo riêng cho chương trình này. Giai đoạn một là tổ chức đào tạo cơ bản trong trường, sau đó xuống thực hành. Các giai đoạn này cũng mất tới 18 tháng.

Ông Tác cho biết, dự án thí điểm cũng đang “khớp” nhu cầu từ các bệnh viện và nguồn cung cấp nhân lực. Khi một bệnh viện huyện cần một bác sĩ ngoại khoa thì phải điều tra thật kỹ xem ở đó có bác sĩ gây mê chưa, có dụng cụ chưa, có phòng mổ chưa… nếu không thì liệu 2 năm nữa có không, lúc đó dự án mới đào tạo bác sĩ ngoại khoa cho họ. Điều đặc biệt của chương trình này là phải đào tạo một cách đồng bộ, xuống cơ sở là phải làm được việc, có đủ điều kiện về con người cũng như máy móc để làm việc. “Hiện nay đã có nhiều sinh viên đăng kí qua trang web bacsitre.com của Vụ Tổ chức cán bộ, qua các trường Y và Hội Thầy thuốc trẻ. Khoảng tháng 9 sẽ “khớp” xong cung – cầu giữa các bệnh viện, chúng tôi sẽ liên hệ lại với các sinh viên đủ điều kiện tham gia mà đã đăng kí trước đây”, ông Tác nói.

Có một số trường hợp không cần phải đào tạo như đã có bằng bác sĩ nội trú, bằng thạc sĩ đang làm việc tại các bệnh viện nhưng chưa được kí hợp đồng hoặc chưa biên chế… nếu muốn tham gia có thể lên đường ngay. Đối với những trường hợp làm việc không lương tại các bệnh viện, nếu muốn tham gia chương trình thì phải tốt nghiệp loại khá, giỏi. Tuy nhiên, các bác sĩ này phải từng làm việc ít nhất 18 tháng mới có thể cấp chứng chỉ.

“Trước mắt, khi tham gia dự án thí điểm này, các bác sĩ trẻ tình nguyện sẽ có nhiều ưu đãi hấp dẫn. Họ được đào tạo 5 chuyên khoa định hướng trong vòng 18 tháng. Toàn bộ chi phí đào tạo do dự án chi trả, lương của mỗi bác sĩ từ 8-10 triệu đồng/tháng. Khi tham gia dự án, bác sĩ trẻ được tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển và ký hợp đồng làm việc tại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trước khi cử đi đào tạo. Thời gian tình nguyện tối thiểu là 3 năm đối với nam, 2 năm với nữ. Sau khi hoàn thành thời gian tình nguyện, họ vẫn được tiếp nhận về nơi công tác cũ”, ông Phạm Văn Tác cho biết thêm.
Ông Phạm Văn Tác -  Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế)  cho biết, các bác sĩ tình nguyện về vùng khó khăn công tác được ưu tiên trong việc xem xét cử đi tham dự các kỳ tuyển sinh như: Bác sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II, cao học, nghiên cứu sinh hoặc được bồi dưỡng về quản lý theo hướng phát triển cao hơn. Được tôn vinh khi hoàn thành tốt nhiệm vụ hoặc có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn theo quy định. Nếu có nhu cầu ở lại công tác lâu dài tại nơi đăng ký tình nguyện, được địa phương ưu tiên, xem xét trong tiếp nhận, đề bạt, thuyên chuyển vị trí làm việc…

Nguồn “Tri Thường- giadinh.net.vn”

Chia sẻ tin này với bạn bè

Gửi phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You may use these HTML tags and attributes: <a href=http://bacsitre.com/"" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>